NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Vai trò của Tổ Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Ngày đăng 29/07/2024 | 15:08  | Lượt xem: 254

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó có chỉ tiêu 13.5 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có “tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”.  Đây là một nội dung yêu cầu mới trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nhằm phát huy vai trò của hệ thống khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân ở các xã nông thôn mới.

Tổ Khuyến nông cộng đồng bao gồm nòng cốt là cán bộ Khuyến nông cơ sở và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cán bộ ngành nông, lâm ngư nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, tiêu biểu tại địa phương. Có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, kinh tế nông nghiệp và các chuyên môn liên quan đến nông nghiệp. Có kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiệt tình, có kỹ năng làm việc nhóm…..

Ảnh . Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác thành lập tổ khuyến nông cộng đồng tại cơ sở cho 25 xã trên địa bàn huyện.

Từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn huyện dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã có 13/26 xã, thị trấn thành lập xong tổ khuyến nông cộng đồng với 140 thành viên. Phấn đấu thời gian tới 100% xã, thị trấn trên địa huyện có tổ khuyến nông cộng đồng. Đây là một trong những bước đi nhằm nâng cao năng lực cho hoạt động khuyến nông tại cơ sở. Khi đi vào hoạt động, tổ khuyến nông cộng đồng sẽ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp và công nghệ; Dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y; Tư vấn thành lập, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác: Tư vấn thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, tư vấn xây dựng Điều lệ và tổ chức hoạt động, tư vấn xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, tư vấn quy trình tổ chức quản lý, tư vấn liên kết, hợp tác, kết nối thị trường; Tư vấn chính sách và pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tư vấn, dịch vụ tổ chức quản lý sản xuất, chuyển đổi số, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm;Tư vấn khởi nghiệp, lập dự án đầu tư; Tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống; Tư vấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản; Tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp sinh thái, bảo tồn các giá trị văn hoá nông thôn.

Trong quá trình thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng gặp không ít khó khăn. Cụ thể là chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng; chưa xây dựng được quy trình công việc, kỹ năng tư vấn quảng bá; nguồn kinh phí hoạt động chưa được hỗ trợ nên hầu hết là làm việc tự nguyện và lồng ghép.

Để tổ khuyến nông cộng đồng đi vào hoạt động hiệu quả, bền vững thời gian tới các cấp, địa phương cần có cơ chế chính sách cụ thể, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng như kiến thức về hợp tác xã, thị trường và liên kết sản xuất, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử để các thành viên trong tổ có thể đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ.

 

                        

 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 763
Lượt truy cập trong tuần: 8006
Lượt truy cập trong tháng: 32298
Lượt truy cập trong năm: 656350
Tổng số lượt truy cập: 6404914