XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

SÓC SƠN GIEO CẤY ĐẠT 101% KẾ HOẠCH VỤ XUÂN 2019
Ngày đăng 22/02/2019 | 08:05  | Lượt xem: 84

Từ mùng 3, mùng 4 tết Kỷ Hợi, mặc dù không khí vui Xuân còn rộn ràng trên khắp nẻo đường quê, tuy nhiên, bà con nông dân Sóc Sơn đã tranh thủ thời tiết nắng ấm, tích cực xuống đồng sản xuất vụ Xuân. Sau tết, sản xuất càng khẩn trương hơn

Từ mùng 3, mùng 4 tết Kỷ Hợi, mặc dù không khí vui Xuân còn rộn ràng trên khắp nẻo đường quê, tuy nhiên, bà con nông dân Sóc Sơn đã tranh thủ thời tiết nắng ấm, tích cực xuống đồng sản xuất vụ Xuân. Sau tết, sản xuất càng khẩn trương hơn. Vụ xuân năm 2019 được huyện xác định là vụ chính trong năm. Tổng diện tích gieo trồng khoảng 10.800ha (9.000ha lúa, 1.800 ha cây công nghiệp…). Đến ngày 22/02/2019, diện tích làm đất là 10.497 ha, đạt 95% kế hoạch; diện tích nước đổ ải 9.324 ha, đạt 103% kế hoạch, diện tích cấy 8.282 ha, gieo sạ 818 ha, đạt 101% kế hoạch. Dự kiến đến hết ngày 28/02/2019, diện tích gieo trồng vụ xuân 2019 cơ bản xong.  

Huyện chủ trương đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, đảm bảo thời vụ, tập trung cấy trà lúa xuân muộn là chủ yếu (trên 99% diện tích), phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 28/02/2019, muộn nhất trước ngày 20/3/2019 (cấy lúa 100% sau tết Nguyên Đán năm 2019); cây lạc gieo trồng đến cuối tháng 2; cây đậu tương gieo trồng đến trước ngày 20/3; cây ngô gieo trồng đến trước ngày 28/02; rau cải các loại gieo trồng đến trước ngày 30/3/2019.

Mở rộng diện tích gieo sạ lúa thẳng hàng bằng công cụ kéo tay, triển khai áp dụng kỹ thuật gieo cấy cải tiến theo phương pháp SRI, che phủ nilon cho mạ, cấy mạ non, xúc mạ để hạn chế tổn thương rễ; tiếp tục mở rộng diện tích các giống lúa mới, chất lượng, giống lúa Japonica (hạt tròn), mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn, chè và cây ăn quả VietGap, dược liệu an toàn… Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở những vùng thiếu nước, cao hạn, vùng cấy lúa không đảm bảo, đặc biệt là các xã sử dụng nguồn nước tưới từ các hồ đập. Hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các giống tiến bộ vào sản xuất, ưu tiên các xã đã dồn điền đổi thửa và vùng cao hạn, vùng cấy lúa không đảm bảo. Chủ động xây dựng các phương án chống rét, chống hạn, phòng trừ sâu bệnh hại.

Để đảm bảo công tác tưới tiêu, các xã phát động chiến dịch nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất. Căn cứ tình hình cụ thể, các đơn vị thuỷ nông, các trạm tổ chức bơm tưới theo nhu cầu, giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, tranh thủ lấy nước vào giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí điện. Những xã sử dụng nguồn nước từ sông Hồng cần có kế hoạch lấy nước vào những đợt xả nước. Tập trung huy động cày ải sớm để phơi đất, làm dầm, làm ải kỹ trước khi cấy. Việc gieo mạ cần đặc biệt chú trọng che phủ nilon, vừa chống rét vừa hạn chế rầy trên mạ non, đồng thời có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỉ lệ từ 5-10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp rét đậm, rét hại xảy ra.

Thực hiện cơ cấu giống lúa phù hợp. Giống lúa Khang Dân gieo trồng 27-28% diện tích trên chân đất vàn và vàn cao. Giống lúa chất lượng và lúa lai (HDT10, Thiên ưu 8, TBR 225, J02...) 69-70% cấy trên đất vàn và vàn thấp, không khuyến khích cấy lúa nếp ở vụ xuân để tránh rét và bệnh đạo ôn hại lúa. Các giống đậu tương: DT84, DT96, DT2008, DT 200; giống ngô lai F1 năng suất cao ngắn ngày: LVN4, LVN9, DK999, NK 67 và các giống ngô nếp HN86, HN88; lạc giống L14, L18, MD7./.

Trương Ngọc Lan - Ban Tuyên giáo Huyện ủy