GIỚI THIỆU CHUNG

1. Khái quát vị trí địa lý, quá trình hình thành, phát triển xưa và nay

Lịch sử hình thành

Sóc Sơn có lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, mảnh đất, con người nơi đây đã xây đắp nên những giá trị và truyền thống văn hóa lâu đời. Sóc Sơn ngày nay vốn là hai huyện Đa Phúc và Kim Anh của tỉnh Vĩnh Phúc.

Huyện Đa Phúc đời Trần gọi là Tân Phúc, thời thuộc Minh vẫn gọi là Tân Phúc, thuộc châu Bắc Giang. Đời Lê Hoằng Định (1600 - 1619) đổi là Thiên Phúc rồi lại đổi là Tiên Phúc thuộc châu Bắc Giang - Lộ Bắc Giang. Đầu đời Nguyễn đổi là Đa Phúc thuộc phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc.

Năm 1822 thuộc trấn Bắc Ninh, năm 1831 thuộc tỉnh Bắc Ninh, năm 1910 thuộc tỉnh Phúc Yên. Thành phủ Đa Phúc trước đây đắp bằng đất ở địa phận hai làng Tiên Tảo và Ngọc Hà (thuộc 2 xã Việt Long và Xuân Giang hiện nay). Đầu năm 1907, huyện lỵ chuyển sang làng Bình Kỳ (thuộc xã Trung Giã hiện nay), về sau lại chuyển về xã Lạc Long (thuộc xã Phù Linh - Tiên Dược hiện nay).

Huyện Kim Anh đổi là Đại Hành, nằm trong trấn Cổ Pháp, đời Lý nằm trong phủ Thiên Đức, đời Trần nằm trong huyện Đông Ngàn thuộc châu Vũ Ninh, lộ Bắc Giang. Đời hậu Lê vẫn là một phần của huyện Đông Ngàn thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Từ thời Lê Quang Thuận (Lê Thánh Tôn 1461 - 1499), Kim Anh được gọi là Kim Hoa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc. Năm 1841 đổi tên là huyện Kim Anh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm 1901 thuộc tỉnh Phù Lỗ, sau là tỉnh Phúc Yên.

Tháng 7/1977, huyện Sóc Sơn được thành lập trên cơ sở sát nhập huyện Đa Phúc và 14 xã của huyện Mê Linh, trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến tháng 12/1978, trong lần mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội lần thứ hai, huyện Sóc Sơn được chuyển trực thuộc thành phố Hà Nội, chuyển 6 xã phía Tây về huyện Mê Linh.

Vị trí địa lý

Sóc Sơn là huyện ngoại thành phía Bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thành phố hơn 30 km. Phía Nam giáp huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và huyện Đông Anh (Hà Nội). Phía Đông giáp huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Phía Bắc giáp huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Phía Tây giáp thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Bao quanh huyện là hệ thống sông Cầu, sông Cà Lồ. Hệ thống giao thông của huyện đa dạng gồm cả đường bộ, đường sắt, đường không và đường thuỷ.

Đơn vị hành chính

Huyện có 01 Thị trấn Sóc Sơn và 25 xã gồm: Bắc Phú, Bắc Sơn, Đông Xuân, Đức Hòa, Hiền Ninh, Hồng Kỳ, Kim Lũ, Mai Đình, Minh Phú,  Minh Trí, Nam Sơn, Phú Cường, Phù Linh, Phù Lỗ, Phú Minh, Quang Tiến, Tân Dân, Tân Hưng, Tân Minh, Thanh Xuân, Tiên Dược, Trung Giã, Việt Long, Xuân Giang, Xuân Thu.

Tổng diện tích đất tự nhiên là 304,7 km²; dân số là 348.153 người (số liệu cuối năm 2019).

 Trụ sở Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân huyện đặt tại Thị trấn Sóc Sơn.

Truyền thống văn hoá-khoa bảng

Cùng với bề dày lịch sử, Sóc Sơn cũng là vùng đất có truyền thống văn hoá, khoa bảng. Trong khoảng 5 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX), Sóc Sơn có 12 người đỗ đại khoa (không kể Hương Cống, Cử nhân và những học vị mới sau này) gồm 4 vị đỗ Hoàng giáp, 8 vị đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Trong 12 vị đại khoa này, có 8 người thi đỗ thời Lê sơ, 3 người thi đỗ thời Mạc, 1 người thi đỗ thời Lê - Trịnh, đều được ghi danh trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Với truyền thống lịch sử - văn hoá lâu đời, Sóc Sơn là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hoá và một kho tàng văn hoá phi vật thể phong phú, đa dạng, tiêu biểu cho một diện mạo văn hoá truyền thống và đậm đà bản sắc văn hoá Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Sóc Sơn có khoảng trên 400 di tích lịch sử - văn hoá và cách mạng kháng chiến được công nhận, trong đó, 49 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Thành phố. Trên địa bàn huyện hiện có gần 100 lễ hội truyền thống được bảo tồn và tổ chức thường xuyên.

2. Khái quát lịch sử truyền thống cách mạng

Sinh ra trong cái nôi của tinh thần quật cường, anh dũng, mảnh đất Sóc Sơn trong lịch sử dân tộc đã bao lần là đại bản doanh, nơi các anh hùng hào kiệt chọn ”chiêu hiền, đãi sĩ”, bày binh, bố trận, đánh quân xâm lược bảo vệ bờ cõi, non sông đất nước. Còn đó, truyền thuyết người anh hùng Gióng dẹp giậc Ân, Lý Thường Kiệt chặn quân Tống trên sông Như Nguyệt, nhà Trần đánh quân Mông năm 1258... vang vọng mãi muôn đời.

Con người Sóc Sơn ở thời đại nào cũng anh dũng, kiên cường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân huyện Sóc Sơn anh dũng bám đất, bám làng chiến đấu với quân địch, lập nhiều chiến công, đồng thời làm tốt nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn. 965 người con ưu tú của quê hương Sóc Sơn anh dũng hy sinh. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Bắc đi vào lịch sử với những vần thơ bất tử ca ngợi tinh thần chiến đấu gan dạ, sự hy sinh anh dũng của người nữ du kích trong Bài thơ Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện lời hiệu triệu ”Không có gì quí hơn độc lập tự do”, ”Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, hàng vạn thanh niên Sóc Sơn nhập ngũ, chiến đấu trên các chiến trường. Ngay trên mảnh đất quê hương Sóc Sơn anh hùng, mỗi người dân trở thành một chiến sỹ trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần đánh bại không quân Mỹ, đỉnh cao là trận 12 ngày đêm lịch sử tháng 12/1972, hạ uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris ngừng đánh phá miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam. Tính riêng trên địa bàn, quân và dân huyện phối kết hợp chiến đấu 702 trận, độc lập chiến đấu 344 trận, hạ 11 máy bay các loại (3 pháo đài bay B52). Hàng nghìn dân quân, du kích của huyện luôn sẵn sàng ngày đêm sữa chữa đường băng sân bay Nội Bài, đảm bảo không quân ta kịp thời cất cánh đánh địch. Sóc Sơn cũng là nơi quân dân ta bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội. Xuân Đinh Mùi (năm 1967), Bác Hồ kính yêu đến Sóc Sơn (tại Sở chỉ huy Sư đoàn không quân Sao đỏ lúc này sơ tán tại Hương Gia, Phú Cường) động viên chiến sỹ, nhân dân quyết tâm chiến đấu với giặc Mỹ đến cùng.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, huyện Sóc Sơn có 3.025 người con anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, hàng nghìn người để lại một phần xương máu trở thành các thương bệnh binh, 237 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Huyện Kim Anh, huyện Sóc Sơn, 18 xã, 02 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quí Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Những kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh

Thời kỳ đổi mới, huyện Sóc Sơn đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ - du lịch - công nghiệp. Từ ban đầu là Khu công nghiệp Nội Bài - khởi điểm là khu công nghiệp chế xuất, quy mô 115 ha thu hút hơn 40 doanh nghiệp vốn FDI, đến nay Sóc Sơn có thêm 2 khu, cụm công nghiệp quy mô 188 ha, them 03 khu cụm công nghiệp đang được quy hoạch và đầu tư.

Kinh tế các năm liên tục phát triển, ổn định: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 9,64%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp

  Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển và chuyển dịch tích cực, tăng trưởng khá góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân. Là huyện đi đầu và có diện tích dồn điền đổi thửa lớn nhất Thành phố (hơn 11.000 ha), đến nay nông nghiệp Sóc Sơn đang chuyển mạnh sang hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, với nhiều mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, phát triển cả về quy mô và chủng loại. Hình thành thêm chuỗi liên kết, hình thành thêm các vùng sản xuất. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Chăn nuôi phát triển theo hướng giảm mạnh hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng cao.

Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại, văn minh. 25/25 xã được công nhận xã nông thôn mới. Hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Tiếp tục triển khai thực hiện nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Văn hóa, xã hội, phát triển nguồn nhân lực là một trong hai khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Quy mô giáo dục và đào tạo có bước phát triển nhanh, với 83% trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ tăng từ 35,62% năm 2015 lên 55% năm 2020.

Chăm lo, nâng cao đời sống Nhân dân trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, y tế, thực hiện an sinh xã hội, giảm từ 5,43% năm 2016 xuống còn 0,7% năm 2020; là một trong những đơn vị đi đầu cả nước và Hà Nội về triển khai mô hình bác sĩ gia đình.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, không để bị động bất ngờ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, bảo vệ hơn 1.500 lượt phương án các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ các quốc gia, khách quốc tế qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và các sự kiện quan trọng của đất nước diễn ra trên địa bàn

4. Định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo

Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; văn hóa, xã hội phát triển, nguồn nhân lực có chất lượng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nâng cao; giữ vững an ninh, quốc phòng. Tạo tiền đề quan trọng xây dựng huyện Sóc Sơn đến năm 2030 trở thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh của Thủ đô.

 Nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tập trung phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh đầu tư và chủ động thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp - nông nghiệp sạch, công nghệ cao - du lịch sinh thái.

Tiếp tục xây dựng và quản lý tốt các quy hoạch, gắn với quản lý tài nguyên, môi trường. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu; phát triển văn hoá, xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chú trọng phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trong mọi tình huống.

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ