THÔNG TIN CÔNG KHAI

Những hành vi bị xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm
Ngày đăng 16/04/2024 | 14:09  | Lượt xem: 46

Vi phạm về an toàn thực phẩm (hay còn gọi là vệ sinh an toàn thực phẩm) xảy ra khi thực phẩm được sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, dẫn đến nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tử vong cho người tiêu dùng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 115/2018/NĐ-CP thì các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm:

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm;

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm;

Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn

Các hình thức xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, các hình thức xử phạt vi phạt về an toàn thực phẩm bao gồm:

Phạt tiền là hình thức xử phạt chính áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 100.000.000 đồng và đối với tổ chức là 200.000.000 đồng.

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hình thức xử phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu bao gồm: thực phẩm vi phạm, phụ gia thực phẩm vi phạm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm, dụng cụ, thiết bị, vật tư, nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm, phương tiện vận chuyển thực phẩm vi phạm, giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm.

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng nhận, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứng nhận hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn là hình thức xử phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép, chứng nhận, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứng nhận hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn.

Cảnh cáo là hình thức xử phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có tính chất nhẹ, ít gây hậu quả.

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau:

Buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm, phụ gia thực phẩm vi phạm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm, dụng cụ, thiết bị, vật tư, nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm;

Buộc thu hồi thực phẩm vi phạm đã được tiêu thụ trên thị trường;

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường  do vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

Phòng Y tế huyện Sóc Sơn