ĐẢNG ĐOÀN THỂ
Ngày 17/3/2023, Đảng bộ huyện Sóc Sơn, xã Hồng Kỳ sẽ tổ chức kỷ niệm một sự kiện quan trọng: 90 năm ngày thành lập Chi bộ Tân Yên (Hồng Kỳ) - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội), chi bộ đầu tiên xây dựng từ vùng nông thôn phía Bắc của Hà Nội. Cùng tìm hiểu về quá trình thành lập và những hoạt động, ảnh hưởng của Chi bộ Tân Yên.
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đánh dấu một bước chuyển rất quan trọng của Cách mạng Việt Nam: chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lãnh đạo, đường lối giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Từ đây, Cách mạng Việt Nam có một chính đảng tiên phong lãnh đạo, là sự kết hợp của truyền thống yêu nước, phong trào cách mạng, phong trào công nhân và cộng sản Quốc tế đầu thế kỷ XX. Ngày sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo thực hiện cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ tĩnh, khẳng định sức mạnh vĩ đại của Nhân dân lao động Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc. Thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã ra sức đàn áp, khủng bố, hòng dập tắt phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Hàng ngàn người dân yêu nước và đảng viên cộng sản bị sát hại, bị bắt, tù đày. Song ý chí bất khuất, tinh thần cách mạng, lòng yêu nước thì không một thế lực gì có thể dập tắt. Trong nhà giam của thực dân, đế quốc, những người cộng sản và những người tù yêu nước đã biến nhà tù thành trường học lớn, nơi tôi luyện nhận thức và ý chí cách mạng.
Đêm Noen 24/12/1933, nhóm 7 người tù cộng sản gồm Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Phạm Quang Lịch, Lê Đình Tuyển, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm và Võ Duy Cương đã vượt ngục Hỏa Lò thành công. Cuộc vượt ngục táo bạo đã gây chấn động dư luận khắp cả Đông Dương, lan tận sang nước Pháp. Lần đầu tiên chuyện tưởng chừng không thể thực hiện đã xảy ra ở một trong những nhà tù khét tiếng thế giới. Cũng từ đó Nguyễn Tạo từ biệt danh Tạo Rỗ giờ có thêm tên gọi mới: Nguyễn Phủ Doãn, hay gọn hơn: Tạo Doãn.
Khi phát hiện những trọng phạm chính trị đã vượt ngục, Pháp lập tức truy nã gắt gao, cáo thị dán khắp nơi, treo giải thưởng cho những ai chỉ điểm hay bắt được bảy người tù cộng sản.Người nào che giấu tội phạm sẽ bị nghiêm trị. Nhưng các chiến sĩ cách mạng đã được nhân dân đùm bọc, chở che những ngày đầu vượt ngục.
Sau khi bắt lại liên lạc với Đảng (chi bộ ở làng Trung tự (ngõ trong chợ Khâm Thiên) nhưng do địch kiểm soát gắt gao, đồng chí Nguyễn Tạo và Lê Đình Tuyển gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Trong hồi ký “Chúng tôi vượt ngục” (NXB Văn học, 1977), đồng chí Nguyễn Tạo đã kể lại: “Tôi thấy không cách nào có thể sống được ở Hà Nội khi cách mệnh chưa có cơ sở quần chúng.
Bây giờ phải tính chuyện đi chỗ khác, nhưng biết đi đâu?
Muốn gây dựng được phong trào đấu tranh cách mạng thì phải đi vào các giai cấp công nhân và nông dân. Vào các nhà máy thì nhất định không được vì chúng nó còn giãn thợ. Mặt khác sự kiểm soát trong nhà máy chúng nó đã có nhiều kinh nghiệm chặt chẽ tinh vi. Vả lại làm cách gì mà vào được và có vào được với thái độ còn bỡ ngỡ của mình cũng dễ dàng thất bại. Còn đi về nông thôn, vào các làng xã mà không có cơ sở thì cũng không sao sống được.
Bây giờ chỉ còn mỏ và đồn điền là hai chỗ dân lao động tứ xứ tập trung, phần lớn không cần có nghề nghiệp chuyên môn, chỉ cần sức lao động là được. Ở mỏ và đồn điền, giai cấp phân hóa rõ ràng, hầu như không có giai tầng trung gian, chỉ có chủ và một số tay chân, chúng áp bức bóc lột tuyệt đại đa số nhân dân lao động.
Ở đây người lao động quyền lợi nhất trí , mọi đau khổ đều nhất trí. Với lại, trình độ tổ chức kiểm soát của bọn đế quốc ở mỏ và đồn điền đều kém hơn các xí nghiệp, riêng ở đồn diền lại còn kém hơn mỏ. Và bọn chủ ta lại kém hơn bọ chủ Tây. Đó là những chỗ thuận tiện để mình còn có thể chọn lựa mà trà trộn hoạt động”.
Với những phân tích trên, đồng chí Nguyễn Tạo lên chợ Nỷ (Trung Giã), tìm vào đồn điền của ông Đỗ Đình Thông, chủ đồn điền Đa Phúc - con trai Đô thống Đỗ Đình Thuật - một cột trụ của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ, đã có công lớn trong việc đánh dẹp đội quân du kích của Hoàng Hoa Thám - một đại địa chủ nhưng có tư tưởng bài Pháp mà đồng chí đã gặp từ năm 1930 dưới danh nghĩa một sinh viên.
Biết đồng chí là tù vượt ngục nhưng Đỗ Đình Thông vẫn tiếp nhận, cho đồng chí Tạo làm cu ly, sau đó làm việc chăn nuôi đàn dê, trâu, bò trong đồn điền. Tại đây, được sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Thư, đồng chí Nguyễn Tạo có dịp tiếp xúc với nhiều người dân trong đồn điền và các ấp Đống Thố, ấp Hà Lộc, ấp Tân Yên… “mỗi ấp có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người già trẻ… Ai thành thực, ai gian giảo, ai rượu chè cờ bạc, ai chăm chỉ làm ăn, ai thích giao du phóng khoáng… Trên cơ sở đó tôi đã chọn để liên lạc tuyên truyền cách mạng và tổ chức ngay được một số thanh niên lập thành một tổ đảng … Thế là tôi đã có cơ sở”.
Ngày 17/3/1933, tại khu Lò Bát của địa chủ Đỗ Đình Thông, chi bộ Tân Yên - Đa Phúc (nay thuộc xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) - Chi bộ đầu tiên của tỉnh Phúc Yên được thành lập do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Đây cũng là chi bộ đầu tiên được xây dựng từ vùng nông thôn phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Lúc đầu, chi bộ có 6 đảng viên là các đồng chí: Đặng Viết Ốc, Nguyễn Đăng Đào, Đặng Viết Thửa, Đặng Viết Tèo, Nguyễn Văn Thư và đồng chí Nguyễn Tạo. Sau đó, đồng chí Lê Đình Tuyển - Đảng ủy viên Thành ủy Hà Nội, người cùng vượt ngục với đồng chí Nguyễn Tạo - cũng về sinh hoạt tại chi bộ này.
Chi bộ Đảng vừa được thành lập đã đề ra chủ trương: vận động tá điền đoàn kết chặt chẽ với nông dân trong vùng đấu tranh chống địa chủ, trưởng ấp, cai lý; với khẩu hiệu: đòi giảm thuế trâu, thuế ruộng ngay trong vụ mùa năm 1933 nhằm mang lại quyền lợi cho quần chúng; tích cực phát triển nông hội; phân công đảng viên sang vùng Tam Lộng (Vĩnh Yên) tuyên truyền gây dựng cơ sở mới để đề phòng địch khủng bố.
Chủ trương đề ra, các đồng chí đảng viên đi sâu xây dựng phong trào quần chúng và mở rộng địa bàn hoạt động. Thiếu thốn về vật chất, nhưng khó khăn hơn cả là gần 2000 nhân khẩu tá điền, nông dân trong đồn điền hầu như không biết chữ. Để tuyên truyền thuận lợi Chi bộ mở lớp dạy chữ quốc ngữ, cử đồng chí Tuyển đứng lớp; xây dựng tạp chí Tia sáng in những tài liệu thư từ của Chi bộ nhà tù Hỏa Lò thành nhiều bản và một số tài liệu khác như: Nông dân vận động, Công nhân vận động.... Thơ ca hò vè cách mạng cũng được sáng tác và truyền bá rộng rãi trong Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Tạo sáng tác bài thơ Kiếp dân đen để tuyên truyền, giác ngộ Nhân dân. Đến tháng 5/1933, cả 24 làng, ấp của đồn điền Đa Phúc đã có hội viên Nông hội đỏ. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nông dân, tá điền các ấp ở Hồng Kỳ đã đứng lên đấu tranh đòi thu tô theo mức cũ, bỏ lệ lễ tết cơm mới buộc chủ điền phải chấp thuận. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi; nông dân, tá điền nơi đây càng phấn khởi, tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết đấu tranh của chính mình dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng.
Từ Đa Phúc, đồng chí Nguyễn Tạo và Lê Đình Tuyển luôn theo dõi, nắm tình hình Hà Nội, đẩy mạnh việc gây dựng cơ sở. Chi bộ dự bị, sau một thời gian hoạt động đã kết nối đường dây liên lạc và cơ sở cách mạng dần dần được khôi phục, xây dựng thêm từ Hà Nội sang Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, lên Sơn Tây, Tuyên Quang, vào tận Thanh Hóa.
Mặc dù được thành lập, hoạt động trong thời gian ngắn (đến tháng 9/1933 - hoạt động của chi bộ bị lộ, các đảng viên phải phân tán sang các địa bàn khác, đồng chí Nguyễn Tạo chuyển về Thanh Hóa gây dựng lại cơ sở) song phạm vi ảnh hưởng của Chi bộ với phong trào cách mạng của huyện Đa Phúc và toàn vùng là vô cùng to lớn. Chi bộ Tân Yên ra đời thể hiện sự trưởng thành, chuyển biến của phong trào cách mạng địa phương, đồng thời cổ vũ, động viên, giác ngộ quần chúng Nhân dân trong huyện theo Đảng làm cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc.
Sự kiện thành lập Chi bộ Tân Yên - chi bộ đảng đầu tiên của huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên, chi bộ đầu tiên được thành lập trong vùng nông thôn phía Bắc của Hà Nội, còn khẳng định cho tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ chính trị, tin tưởng và một lòng theo Đảng làm Cách mạng của Nhân dân Hồng Kỳ nói riêng, Đa Phúc nói chung./.
Lê Hữu Mạnh
THÔNG BÁO MỚI
- Thông báo về việc di chuyển mộ trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án Trung tâm thẩm vấn An ninh quốc gia của Bộ Công an tại thôn Xuân Dục, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn (08/01/2025 08:22:00)
- Thông báo Kết quả tuyển dụng công chức cấp xã huyện Sóc Sơn năm 2024 (lần 2) (17/12/2024 09:09:00)
- Thông báo Điểm thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức cấp xã huyện Sóc Sơn năm 2024 (03/12/2024 16:32:00)
- Thông báo kết quả thi vòng 1 và một số nội dung thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024 (lần 2) (25/11/2024 17:15:00)
- Thông báo số: 15/TB-HĐTD Dánh sách phòng thi, số báo danh thí sinh dự thi vòng 1 kỳ tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024 (lần 2) (20/11/2024 14:46:00)