ĐẢNG ĐOÀN THỂ
Ngày 17/3/2023, chúng ta kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Chi bộ Tân Yên - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội). Nhân sự kiện này, chúng tôi đã tìm đọc những tư liệu, bài viết về đồng chí Nguyễn Tạo - nhà Cách mạng lão thành của Đảng, người có công thành lập và là Bí thư Chi bộ Tân Yên (Hồng Kỳ).
Nhà cách mạng Nguyễn Tạo sinh ngày 11/11/1905 tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà Nho yêu nước, làm nghề thuốc đông y. Lúc nhỏ được đặt tên là Nguyễn Trọng Thốc. Năm 1923, thoát ly hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Tạo. Năm 1925, tham gia Việt Nam cách mạng đồng chí hội sau chuyển thành Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1928 là bí thư Kỳ bộ Bắc kỳ Tân Việt cách mạng Đảng sau chuyển thành Tân Việt cộng sản liên đoàn. Năm 1945, làm trưởng ty Công an Nghệ An. Đầu năm 1946, làm ủy viên Quốc gia bảo vệ cuộc Nam bộ (giám đốc Công an Nam bộ). Giữa năm 1946, được điều động ra giữ chức Trưởng phòng Điệp báo Nha Công an Trung ương, từ 1947 là Giám đốc Công an Hà Nội. Năm 1952, là vụ trưởng Vụ Chấp pháp Bộ Công an. Năm 1958 là thứ trưởng Bộ Nông lâm. Năm 1961 là tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (tương đương cấp bộ). Ông là người thành lập Rừng quốc gia Cúc Phương, Viện Nghiên cứu lâm nghiệp và thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Năm 1975 ông nghỉ hưu. Ông mất ngày 25/5/1994.
Vụ vượt ngục Hỏa Lò chấn động và cái tên Nguyễn Tạo Doãn
Hỏa Lò là nhà tù khét tiếng Đông Dương được xây dựng quá kiên cố và canh gác cẩn mật đến nỗi tưởng chừng con kiến muốn ra cũng không qua lọt. Từ khi Pháp xây dựng Hỏa Lò vào năm 1896 cho đến lúc ấy chưa hề có một cuộc vượt ngục nào thành công. Khi đã thất bại tù nhân chỉ còn chịu cảnh đầu rơi máu chảy của chế độ tù đày man rợ. Họ đang lên kế hoạch vượt ngục và người khởi xướng là ông Nguyễn Tạo.
Bảy người tù cộng sản tính làm chuyện động trời là Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm và Võ Duy Cương.
Để vượt ngục, một kế hoạch táo bạo được vạch ra công phu, từ chuyện phối hợp hành động sao cho nhịp nhàng, cách đưa lưỡi cưa vào để cưa song sắt, lo tấm thẻ thuế thân cho mỗi người và cả chuyện tiền nong sau khi vượt ngục để đi lại, sinh sống bước đầu nếu thoát được ra ngoài.
Đầu tiên, ông Lê Đình Tuyển - Ủy viên Đảng bộ Hà Nội giả điên, buoobj địch phải chuyển sang nhà thương Phủ Doãn (bệnh viện Việt Đức ngày nay) để điều trị.Tiếp theo đó, thêm một người nữa cũng có triệu chứng bệnh tâm thần là Hào Lịch được đưa sang nhà thương Phủ Doãn.
Lại thêm mấy tù nhân lần lượt phát bệnh mà toàn chứng bệnh hiểm nghèo. Anh em bàn nhau nhịn đói mấy ngày liền, gầy rộc cả người. Khi y tá nhà tù đến khám thấy nhiều người chỉ còn thoi thóp, đau đớn vật vã trông rất nguy kịch. Bùi Xuân Mẫn và Nguyễn Trọng Đàm còn ho ra máu lẫn cả đờm như thể ho lao, còn Nguyễn Tạo vốn con nhà nòi thầy thuốc bèn trổ tài nín thở, nên khi bắt mạch nghe rất yếu, tim gần như ngừng đập.Thấy vậy, y tá nhà tù liền xin cai ngục đưa họ sang ngay nhà thương Phủ Doãn. Vậy là năm người đã lọt ra khỏi địa ngục trần gian theo đúng như kịch bản vượt ngục.
Nhưng còn hai người vẫn chưa ra khỏi Hỏa Lò. Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương lại phải nhịn đói suốt năm ngày mà địch vẫn không ngó ngàng.Thấy vậy, hai người bàn nhau vờ cắt cổ tự tử để phản đối chế độ nhà tù dã man không cho người lâm bệnh nặng đi viện. Tù nhân hét toáng lên báo có người tự tử. Cai ngục và lính canh chạy lại thấy hai người máu me lênh láng phải cho đi điều trị. Vậy là cả bảy người đã có mặt ở nhà thương Phủ Doãn đúng như kế hoạch.
Trong Khu biệt giam nhà thương Phủ Doãn, ông Lê Đình Tuyển vẫn không thôi la hét đến khản cả cổ họng gần như suốt cả ngày đêm để đóng trọn vai một người điên. Lúc đầu lính canh còn nghiêng ngó, sau thấy quen đến nỗi chúng cũng lơ là không để ý. Thật ra anh la hét vậy để che giấu tiếng động những bạn tù thay phiên nhau cưa song sắt. Họ cưa ròng rã suốt nhiều ngày như thế. Và anh Tuyển thì cứ tiếp tục giả điên và la hét.
Trong hồi ký Sống để hoạt động xuất bản năm 1960, ông Nguyễn Tạo cho biết: đưa được hai lưỡi cưa sắt nhỏ xíu vào đây cũng đã là một kỳ công. Bà Trịnh Thị Điền - một đồng chí, bạn tù được phóng thích vì không đủ chứng cứ buộc tội - đã làm được một việc quan trọng vì nếu thiếu lưỡi cưa thì cũng bằng không. Bà Điền (nhà đại tư bản yêu nước - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá) đã mưu trí thông qua con đường thăm nuôi, khéo léo che mắt kẻ thù, đưa được hai lưỡi cưa vào cho nhóm bảy người tù vượt ngục. Họ đã cưa xong song sắt vào trước đêm 24/12/1932.
Đêm Noel năm 1932, người Pháp tổ chức lễ đón mừng Giáng sinh và năm mới. Việc canh gác có phần lơi lỏng, và đây là thời điểm quyết định của nhóm vượt ngục.
Biết rằng khi phát hiện tù vượt ngục, giặc Pháp sẽ truy lùng ráo riết bằng cả hệ thống cảnh sát, quân đội, nên trước khi thoát họ đã tìm cách đánh lạc hướng bằng một mẩu giấy làm như vô tình để lộ: “Ngoài kia chuẩn bị sẵn sàng, các đồng chí ra có ôtô đưa lên biên giới”.
Họ thoát ra ngoài theo phố Quán Sứ rồi hòa vào dòng người tấp nập đang đi lễ nhà thờ dự lễ Giáng sinh. Họ chia nhau đi nhiều hướng, và tất nhiên không ai lên biên giới.
Khi phát hiện những trọng phạm chính trị đã vượt ngục, Pháp lập tức truy nã gắt gao, cáo thị dán khắp nơi, treo giải thưởng cho những ai chỉ điểm hay bắt được bảy người tù cộng sản.Người nào che giấu tội phạm sẽ bị nghiêm trị. Nhưng các chiến sĩ cách mạng đã được nhân dân đùm bọc, chở che những ngày đầu vượt ngục.
Cuộc vượt ngục táo bạo thành công đã gây chấn động dư luận khắp cả Đông Dương, lan tận sang nước Pháp. Lần đầu tiên chuyện tưởng chừng không thể thực hiện đã xảy ra ở một trong những nhà tù khét tiếng thế giới. Cũng từ đó Nguyễn Tạo từ biệt danh Tạo Rỗ giờ có thêm tên gọi mới: Nguyễn Phủ Doãn, hay gọn hơn: Tạo Doãn.Trong tấm bằng Huân chương Hồ Chí Minh ở nhà ông cũng ghi rõ tặng thưởng cho ông Nguyễn Tạo - Nguyễn Phủ Doãn.
Sau khi vượt ngục thành công, đầu năm 1933, đồng chí Nguyễn Tạo đã tìm lên Đa Phúc, vào đồn điền Tân Yên của đại địa chủ Đỗ Đình Thông để từ đây, tuyên truyền cách mạng, tập hợp những thanh niên ưu tú, thành lập Chi bộ Tân Yên ngày 17/3/1933.
Góp công phá vụ án Ôn Như Hầu - Hà Nội
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Tạo chủ yếu hoạt động trong ngành Công an với các chức vụ như Giám đốc Nghệ An Công an Cục, Trưởng ban Trinh sát Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Trưởng phòng Điệp báo Nha Công an Việt Nam… Trong thời gian này, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó có quá trình tham gia chỉ đạo phá vụ án Ôn Như Hầu, Hà Nội xảy ra ngày 12/7/1946 - ngày này đã được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, con trai cụ Nguyễn Tạo đã cung cấp một bản đánh máy 20 trang của cha mình, tiêu đề “Vụ giết người ở Ôn Như Hầu”, tác giả P.D (tức Phủ Doãn, một bí danh hồi hoạt động bí mật của cụ Nguyễn Tạo).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà cách mạng Nguyễn Tạo. Ảnh tư liệu
Trong hồi ký này, đồng chí Nguyễn Tạo đã kể chi tiết việc phá vụ án Ôn Như Hầu. Qua hàng tháng trời điều tra, thông qua mạng lưới đặc tình do đồng chí Nguyễn Tạo phụ trách, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Giám đốc Nha Công an Lê Giản, 3 giờ sáng ngày 12/7/1946, Công an ta đã bất ngờ ập vào trụ sở của tổ chức Việt nam Quốc dân Đảng là nhà 132 Đuy-vi-nhơ (Duvignaud, nay là phố Bùi Thị Xuân), lục soát bắt quả tang hàng chồng truyền đơn, hiệu triệu lật đổ chính quyền, hàng tá súng trường, hàng trăm quả lựu đạn; tiếp tục bao vây trụ sở của chúng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), bắt được 6 tên và tìm thấy 2 người bị giam trong phòng tắm, đào được 7 xác chết, đều là cán bộ chính quyền, người buôn bán hay tư sản bị kẻ địch bắt cóc hoặc tống tiền rồi giết.
Không nói tới vụ âm mưu bạo động lật đổ chính quyền, chỉ cần nói tới vụ Ôn Như Hầu cũng đủ đập tan bọn phản động Quốc dân Đảng cả về chính trị và tổ chức. Đông đảo phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, các đồng chí lãnh đạo và nhân dân tới xem, chứng kiến tội ác của bọn chúng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà ái quốc chân chính, lúc đó đang là quyền Chủ tịch nước (thay Bác Hồ đi Pháp dự hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô) tới thị sát. Cụ vô cùng phẫn nộ. Sau đó có mấy lãnh tụ VNQD Đảng xin vào yết kiến cụ, mong được thanh minh. Được người bảo vệ báo cáo, cụ Huỳnh hỏi ngay: Đâu, chúng nó đâu? Rồi cụ xách ba-toong đi ra, chỉ mặt hét to: “Đồ kẻ cướp! Đồ vô lại! Quốc gia dân tộc gì chúng mày!”…
Vị Tổng cục trưởng Lâm nghiệp tâm huyết và bản lĩnh
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, hòa bình lập lại trên miền Bắc XHCN, theo yêu cầu của cấp trên, năm 1958, đồng chí Nguyễn Tạo chuyển sang công tác tại Bộ Nông Lâm. Năm 1961, Bộ Nông Lâm được chia tách ra làm nhiều bộ và cơ quan ngang bộ, đồng chí Nguyễn Tạo được phân công làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (trực thuộc Chính phủ).
Ông Nguyễn Tạo cùng đoàn cán bộ Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn đồng chí Lê Duẩn thăm Động Người Xưa trong rừng quốc gia Cúc Phương - Ảnh tư liệu.
Trên cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, được các kỹ sư lâm nghiệp báo cáo về khu rừng quý ở khu vực nằm giữa ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Tạo đã vào tận nơi khảo sát, điều tra. Sau đó, đồng chí đã làm tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin lập rừng Quốc gia Cúc Phương để bảo vệ, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và bảo vệ nguồn gien động - thực vật phong phú và môi sinh quý hiếm của đất nước.
Ngày 20/12/1962, đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã ký quyết định cho triển khai công tác lập Vườn Quốc gia và bảo tồn, qui hoạch, xây dựng, bảo vệ. Đó chính là Vườn Quốc gia Cúc Phương ngày nay. Vườn quốc gia Cúc Phương không chỉ là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, mà còn là vườn quốc gia thuộc hạng sớm nhất của thế giới.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Nguyễn Tạo thấu hiểu rằng: “Chỉ khi nào lợi ích của đội ngũ lâm nghiệp và người dân thực sự gắn bó với rừng, thì khi đó rừng mới được bảo vệ tốt và phát triển”. Nay nhìn lại mới thấy rằng, những ý tưởng và chủ trương xây dựng “làng lâm nghiệp” là rất phù hợp với chiến lược “giao đất giao rừng” và chuyển từ “nền lâm nghiệp nhà nước” sang “nền lâm nghiệp nhân dân” mà Đảng và Nhà nước ta đang tích cực thực hiện trong suốt thời kỳ đổi mới.
Về việc kiên quyết đề nghị thành lập lực lượng kiểm lâm, trong Lễ mừng đại thọ ông Nguyễn Tạo 90 tuổi, có nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà cách mạng lão thành đến dự, nhà thơ Cù Huy Cận, nguyên Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hóa - Thông tin của Chính phủ lúc bấy giờ, đã kể lại một câu chuyện vui: “Tôi nhớ mãi kỉ niệm với anh Tạo. Hôm đó họp TW, Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi: “Thế nào anh Tạo, tình hình Lâm nghiệp ra sao rồi?” - Anh Tạo đã thẳng thắn trả lời: “Báo cáo đồng chí Tổng Bí thư: Sự nghiệp phá rừng của chúng ta đã cơ bản hoàn thành." Ông Cận cười và bình luận thêm: "Có thể nói, lời nói của người đứng đầu ngành Lâm nghiệp như thế, không khác gì một tiếng chuông cảnh tỉnh rất lớn cho việc bảo vệ rừng."
Là thành hoàng làng thời hiện đại
Cả cuộc đời làm cách mạng, Nguyễn Tạo luôn luôn theo đuổi mục đích giải phóng dân tộc và đưa lại hạnh phúc cho nhân dân. Lúc còn hoạt động bí mật ở Tiền Hải, Thái Bình (1932,1933), ông đã có công vận động nông dân khai hoang lấn biển ở Cồn Vành và lập nên làng Thủy Lạc của xã Nam Ngư, huyện Tiền Hải ngay nay. Gần đây, vào ngày 11/8/2011, nhân dân làng Thủy Lạc, sau nhiều năm tìm kiếm tung tích người thanh niên cộng sản giúp dân lập làng, đã rước chân hương nhà cách mạng Nguyễn Tạo về đình làng Thủy Lạc để suy tôn ông làm Đức Bản cảnh Thành hoàng làng. Thật vinh dự cho quê hương Hà Tĩnh, khi có Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tạo, những người con ưu tú của mảnh đất "địa linh nhân kiệt", đã lập công lớn với nhân dân, đất nước, được người dân ở địa phương khác thờ làm những vị phúc thần "hộ quốc tý dân"./.
Lê Hữu Mạnh tổng hợp
THÔNG BÁO MỚI
- Thông báo về việc di chuyển mộ trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án Trung tâm thẩm vấn An ninh quốc gia của Bộ Công an tại thôn Xuân Dục, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn (08/01/2025 08:22:00)
- Thông báo Kết quả tuyển dụng công chức cấp xã huyện Sóc Sơn năm 2024 (lần 2) (17/12/2024 09:09:00)
- Thông báo Điểm thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức cấp xã huyện Sóc Sơn năm 2024 (03/12/2024 16:32:00)
- Thông báo kết quả thi vòng 1 và một số nội dung thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024 (lần 2) (25/11/2024 17:15:00)
- Thông báo số: 15/TB-HĐTD Dánh sách phòng thi, số báo danh thí sinh dự thi vòng 1 kỳ tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024 (lần 2) (20/11/2024 14:46:00)